Ắc quy xe điện : Hàn Quốc tiên phong về chế tạo, dẫn đầu về tái chế
Từ 10 năm nay, không chỉ là một trong những nước đi đầu thế giới về chế tạo ắc quy xe điện, Hàn Quốc còn được xem nhà « nhà vô địch » thế giới về tái chế bình ắc quy xe điện, nhờ có tầm nhìn chiến lược và sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ với giới công nghiệp.
Trong bài đăng ngày 11/05/2024, thông tín viên báo Công giáo La Croix tại Seoul, Celio Fioretti, nhắc lại rằng dù là nhà chế tạo bình ắc quy xe điện hàng thứ hai trên thế giới, với những tên tuổi lớn như LG Energy hay Samsung SDI, nhưng cách nay hơn chục năm Hàn Quốc từng hứng chịu cảnh khan hiếm quặng nguyên liệu để sản xuất.
Điều này đã thúc đẩy Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực tái chế bình điện trên diện rộng. Seoul đánh giá đây là ngành công nghệ mang tính chiến lược cao. Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư ồ tạt vào ngành công nghiệp mới, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, từ khâu thu gom đến tái chế.
Hồi năm ngoái, chính quyền Seoul thông báo tài trợ số tiền tương đương gần 27 tỉ euro trong 5 năm tới để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của ngành tái chế bình ắc quy xe điện, nhằm hạn chế sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc. Từ nay đến năm 2026, việc xây dựng một trung tâm tích trữ mới về lithium và cobalt, hai kim loại quý hiếm chế tạo bình ắc quy ô tô điện sẽ được hoàn thành.
Hiện nay, Hàn Quốc có 6 doanh nghiệp công chuyên về thu gom các bình xe điện đã qua sử dụng. Ông Ryu Chang Iyul, quản lý 1 doanh nghiệp tại Siheung, ngoại ô thủ đô Seoul, cho biết : « Chúng tôi thu gom các bình ắc quy điện đã qua sử dụng, đánh giá xem khả năng tái chế và tái sử dụng vào các sản phẩm khác được đến mức nào. Nếu chúng khả năng sạc điện vẫn trên hơn 60%, các bộ phận nhỏ bên trong sẽ được tái sử dụng, chẳng hạn như lắp vào xe đạp điện. Nếu không thì chúng tôi sẽ bán đấu giá để chúng được tái chế ».
Đi đầu lĩnh vực tái chế bình điện ô tô tại Hàn Quốc là công ty SungEel HiTech, được thành lập năm 2000. Quá trình tái chế cho phép họ tách được đến 95% kim loại quý hiếm trong bình ắc quy điện. Do đó, khi trao đổi với thông tín viên báo Công giáo La Croix tại Seoul, Park Hyosun, một đại diện của SungEel HiTech, gọi những kim loại hiếm cấu thành pin điện, như cobalt và lithium là « một nguồn tài nguyên gần như vô hạn ». Công nghệ của SungEel HiTech vẫn đang được cải thiện, cho dù mức tái chế 100 % được xem là không thể.
Với 3 trung tâm tái chế, sử dụng 500 lao động, SungEel HiTech mỗi năm tái chế 75.000 tấn pin điện, tương đương với 400.000 ắc quy mới. Công nghệ tái chế pin điện ô tô được SungEel HiTech xem là « kiến thức chiến lược » của công ty nói riêng và đất nước nói chung, nên được giữ bí mật ở mức cao.
Sau khi mở các chi nhánh tại Malaysia, Ấn Độ và Mỹ, nay đích đến mới của SungEel HiTech là châu Âu. Mới đây, công ty hàng đầu của Hàn Quốc đã đặt chi nhánh tại Đức và Tây Ban Nha. Liên Âu, dù ô tô điện ít phổ biến hơn ở Hàn Quốc, nhưng vẫn được các công ty của Seoul xem là một khu vực tiềm năng cả về thu gom và tái chế, trong bối cảnh lĩnh vực tái chế ắc quy điện vẫn chưa phát triển mà Liên Âu thì đã đề ra những mục tiêu mới cụ thể cho những năm tới đây.
Bình luận